Một số bệnh gây giảm bạch cầu trung tính

Giảm bạch cầu trung tính là gì? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây giảm bạch cầu trung tính nhé.

1. Định nghĩa

Giảm bạch cầu trung tính được xác định khi số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối ở máu ngoại vi giảm:

+ Sơ sinh: < 2,5G/l

+ 2 tháng đến 1 tuổi: < 2 G/l

+ Trên 1 tuổi: < 1,5G/l

2. Phân loại mức độ giảm bạch cầu hạt trung tính

+ Giảm bạch cầu hạt trung tính mức độ nặng: < 0,5G/l

+ Giảm bạch cầu hạt trung tính mức độ trung bình: 0,5 – 1,0G/l

+ Giảm bạch cầu trung tính mức độ nhẹ: 1,0 – 1,5 G/l

3. Phân loại giảm bạch cầu hạt trung tính

Theo cách truyền thống giảm bạch cầu hạt trung tính ở trẻ em thường được phân loại như sau:

– Giảm bạch cầu hạt trung tính nặng mạn tính (servere chronic neutropenia) với các hội chứng bẩm sinh

– Giảm bạch cầu hạt trung tính chu kì và tự phát (cyclical and idiopathic neutropenia)

– Giảm bạch cầu hạt trung tính thứ phát (acquired or secondary neutropenia): sau dùng thuốc hay nhiễm trùng

– Các bệnh rối loạn về huyết học tiên phát

– Các bệnh về miễn dịch như: giảm bạch cầu hạt tự miễn

Một số tác giả  lại phân loại giảm bạch cầu hạt trung tính làm 4 nhóm:

– Do giảm sinh

– Do kém phóng thích từ tủy xương ra máu ngoại vi

– Tăng bám dính của bạch cầu hạt trung tính hay giả giảm bạch cầu hạt trung tính

– Do tăng phá hủy

Giảm bạch cầu hạt trung tính có thể được phân loại theo cách khác nữa như: Giảm bạch cầu hạt cấp tính và giảm bạch cầu hạt mạn tính hoặc giảm bạch cầu hạt bẩm sinh và giảm bạch cầu hạt mắc phải.

4. Một số bệnh gây giảm bạch cầu hạt trung tính

4.1. Giảm bạch cầu hạt trung tính bẩm sinh

Giảm bạch cầu hạt trung tính bẩm sinh được tác giả Kostman mô tả lần đầu tiên khi ông báo cáo về giảm bạch cầu hạt do sự không trưởng thành của các tiền tủy bào trong tủy xương ở một gia đình người Thụy Điển. Giảm bạch cầu hạt bẩm sinh chủ yếu do gen dị hợp tử, rất ít các trường hợp liên quan đến gen quy định giới tính ngoài hội chứng Wiskott – Aldrich. Đột biến gen ELANE 2 cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên giảm bạch cầu hạt bẩm sinh với triệu chứng lâm sàng rất nặng nề. Ngoài ra, đột biến một số gen khác như: GF1, HAX1, SBDS, WAS và G6PC3 cũng gây nên giảm nặng bạch cầu hạt trung tính. Giảm nặng bạch cầu hạt bẩm sinh thường đáp ứng với G-CSF nhưng đòi hỏi liều cao hơn so với giảm bạch cầu hạt chu kì. Corticoid có thể có hiệu quả nếu không đáp ứng với GCSF. Trong số các trường hợp giảm bạch cầu hạt trung tính bẩm sinh nặng có tới 10% là biến chứng của hội chứng loạn sản tủy hoặc bạch cầu cấp. Bệnh nhân giảm bạch cầu hạt chu kì không phát triển thành bệnh bạch cầu cấp.

Các hội chứng giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh:

+ Hội chứng Kostman: Đây là một hội chứng có bao gồm ba đặc điểm: bạch cầu hạt trung tính giảm sâu dưới 0,2G/l trong suốt những tuần đầu tiên của cuộc đời; ngừng trưởng thành của bạch cầu hạt ở giai đoạn tiền tủy bào và thường chết vì nhiễm trùng.

+ Hội chứng Shwachman – Diamond – Oski: Đây là một dạng ít gặp của giảm bạch cầu hạt trung tính bẩm sinh. Hội chứng này lần đầu tiên được mô tả bởi tác giả Nezelof năm 1961 và sau đó là Shwachman-Diamond năm 1964. Hội chứng này có sự liên quan giữa các rối loạn huyết học với suy tụy. Đây là một bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (gen SDBS ở vị trí chromosome 7) gây loạn sản sụn – hành xương gây lùn và dáng đi không bình thường. Dòng tế bào tủy phát triển không bình thường làm giảm bạch cầu hạt trung tính, giảm sản dòng tủy, nhiễm khuẩn tái diễn. Ngoài ra, bệnh còn có biều hiện của suy tụy ngoại tiết như: tiêu chảy, phân mỡ, sụt cân, chậm phát triển.

+ Hội chứng suy tủy xương:

Bao gồm các bệnh sau:

* Thiếu máu Fanconi

* Loạn sừng bẩm sinh

* Hội chứng Bloom

* Amegakaryocytic giảm tiểu cầu

+  Rối loạn chuyển hóa di truyền

* Bệnh glycogen typ 1b (glycogen storage disease 1b)

* Hội chứng Pearson

*  Tăng acid niệu (methylmalonic aciduria)

+ Suy giảm miễn dịch

* Hội chứng tăng IgM miễn dịch

* Thiếu máu giảm gamaglobulin liên kết giới tính X

+ Myelokathexis

+ Loạn sản lưới phức tạp (reticular dysgenesis)

+ Giảm sản sụn – tóc ( cartilage-hair hypoplasia)

+ Hội chứng Barth

+ Hội chứng Griscelli

+ Schimke immuno – osseous dysplasia

– Giảm bạch cầu hạt chu kì: trong giảm bạch cầu hạt chu kì số lượng bạch cầu hạt trong máu ngoại vi dao động theo chu kì khoảng 21 ngày. Số lượng bạch cầu hạt đạt điểm thấp nhất bằng 0 và cao nhất có thể gần như bình thường. Bạch cầu mono cũng thay đổi theo chu kì nhưng diễn ra theo pha ngược lại với bạch cầu hạt trung tính. Hơn nữa, những nhiễm trùng nặng  như: viêm miệng áp tơ, viêm quanh răng, viêm manh tràng và những nhiễm trùng cơ hội khác đe dọa đén tính mạng thường xảy ra từ 3 – 4 ngày khi bạch cầu hạt giảm thấp nhất trong chu kì.

– Giảm bạch cầu hạt tự phát (Idiopathic neutropenia): Chẩn đoán giảm bạch cầu hạt tự phát khi không có bằng chứng của giảm bạch cầu hạt bẩm sinh, do miễn dịch, chu kì và đã loại trừ các nguyên nhân gây giảm bạch cầu hạt thứ phát khác.  

4.2. Giảm bạch cầu hạt mắc phải

– Giảm bạch cầu hạt trung tính sau nhiễm trùng: Giảm bạch cầu hạt trung tính sau nhiễm trùng (đây là dạng giảm bạch cầu hạt trung tính phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Để chẩn đoán dựa vào lâm sàng, huyết thanh học và phương pháp di di truyền để xác định cơ quan bị nhiễm trùng là công cụ hiệu quả để chẩn đoán phân biệt. Giảm bạch cầu hạt trung tính ở trẻ bị nhiễm trùng thường ít hơn từ 1 – 3 tháng. Trong giảm bạch cầu hạt trung tính sau nhiễm trùng thì sau 8 – 12 tuần số lượng tuyệt đối của bạch cầu hạt trung tính sẽ trở về bình thường. Một số virus hay gây nên giảm bạch cầu hạt: Rubela, sởi, varicella, parvovirus, CMV, EBV, HIV, viêm gan A, B, HI, virus hợp bào hô hấp (RSV). Một số vi khuẩn gây giảm bạch cầu hạt trung tính: Lao, thương hàn, brucella…

– Giảm bạch cầu hạt trung tính sau dùng thuốc: gây giảm nặng bạch cầu hạt trung tính hoặc bạch cầu không hạt. Không giống như giảm bạch cầu hạt trung tính mạn tính, giảm bạch cầu hạt trung tính do dùng thuốc có tỷ lệ biến chứng nhiễm trùng cao và tỉ lệ tử vong xấp xỉ 10%. Thuốc dẫn đến giảm bạch cầu không hạt thường là các thuốc kháng giáp trạng (carbamizole, methimazole, thiouracil), các kháng sinh (cephalosphorin, penicillin, sulfonamides, chloramphenicol), các thuốc chống co giật (carbamazepine, valproic acid). Sau khi dùng thuốc khoảng 2-60 ngày (71% là sau 1 tháng (Anderson) bạch cầu hạt giảm. Sự hiểu biết về sinh bệnh học của giảm bạch cầu hạt trung tính sau dùng thuốc còn khá nghèo nàn. Các điều tra có phần hạn chế do bệnh hiếm, lẻ tẻ và chỉ có tích chất tạm thời. Trong một số các trường hợp tìm thấy kháng thể kháng bạch cầu. Những trường hợp này mang cả đặc điểm của kháng thể tự miễn và kháng thể phụ thuộc thuốc. Ví dụ trong bệnh Grave kháng thể kháng bạch cầu hạt trung tính có liên quan tới kháng nguyên phản ứng với TSH cũng như kháng nguyên kháng bạch cầu hạt trung tính trong bào tương. Ngoài ra xạ trị hoặc phóng xạ cũng gây giảm bạch cầu hạt trung tính.

 4.3. Giảm bạch cầu trung tính tự miễn:

+ Giảm bạch cầu hạt do miễn dịch dị gen (alloimmune neutropenia): đây là một tình trạng phải được xem xét nếu bạch cầu hạt trung tính giảm trong những ngày đầu sau sinh. Trong trường hợp này có bạch cầu hạt của mẹ con pha trộn với nhau và dị miễn dịch của người mẹ sẽ chống lại các kháng nguyên của bạch cầu hạt trung tính. Những trường hợp này thường bị nhiễm trùng rất nặng (chiếm tới 20% số trường hợp. Phương pháp thử nghiệm chéo bằng cách trộn huyết thanh của mẹ với bạch cầu hạt trung tính của người cha sẽ giúp chẩn đoán xác định.

 + Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn tiên phát: Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn tiên phát là một rối loạn hiếm gặp chiếm tỉ lệ 1/100.000 số trẻ sơ sinh sống. Nó thường xảy ra giai đoạn sớm của tuổi ấu thơ. Trong một nghiên cứu 143 bệnh nhân giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn chỉ ra rằng có 101 bệnh nhân giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn tiên phát, 73 bệnh nhân dưới 3 tuổi. Tuổi trung bình phát hiện bệnh là từ 6-12 tháng và có một số trở thành giảm bạch cầu hạt trung tính mạn tính nặng. Những nhiễm trùng thường ở mức độ nhẹ đến trung bình, rất hiếm khi có nhiễm trùng nặng. 95% số trường hợp giảm bạch cầu hạt tự miễn ở thời ấu thơ tự thuyên giảm khi trẻ trên 2 tuổi. Mức độ kháng thể phát hiện được giúp dự đoán được cả biến chứng nhiễm trùng và thời gian thuyên giảm. Trong giảm bạch cầu hạt tự miễn tiên phát tế bào bình thường hoặc tăng sinh, tế bào bạch cầu hạt trung tính trưởng thành bình thường hoặc giảm. Test để phát hiện kháng thể kháng bạch cầu hạt trung tính tự miễn trong các trường hợp giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn thường là test miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (GIFT) nhưng 3% các trường hợp có thể dương tính chỉ bằng test ngưng kết bạch cầu hạt (GAT). Kháng thể là IgG và trực tiếp chống lại kháng nguyên HNA 1 và HNA2, rất hiếm các trường hợp có liên quan đến CD11 (HNA 5a) và receptor FCγRIIIB (CD16). Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn tiên phát rất hiếm gặp ở người lớn.

Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn ở trẻ sơ sinh gây nên do sự cảm thụ hóa của người mẹ với kháng thể kháng bạch cầu hạt trung tính của người cha, kết quả là kháng thể IgG được truyền qua nhau thai trong quá trình mang thai. Trẻ sinh ra bị giảm bạch cầu hạt tạm thời được phát hiện sau trung bình khoảng 11 tuần tuổi. Nhìn chung biến chứng của nhiễm trùng rất ít. Hầu hết các bệnh nhân giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn ở trẻ sơ sinh bị giảm bạch cầu hạt trung tính là do kháng thể trực tiếp chống lại kháng nguyên của HLA- 1. Kháng nguyên HNA ở vị trí receptor IgG-Fc typ IIIb (FcγRIIIb, CD16). Một điều thú vị rằng bằng chứng về sự xuất hiện giảm bạch cầu hạt tự miễn ở trẻ sơ sinh thấp hơn tỉ lệ phát hiện kháng thể kháng bạch cầu đặc hiệu trong quần thể dân cư. Trong nghiên cứu ở trên 1000 phụ nữ sau khi sinh có 1.1% có kháng thể kháng bạch cầu hạt đặc hiệu nhưng không có đứa con nào của họ bị giảm bạch cầu hạt trung tính.

+ Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn thứ phát: Giảm bạch cầu hạt trung tính thứ phát thường gặp ở người lớn và có liên quan đến hệ thống miễn dịch trong giai đoạn sớm của viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống. Giảm bạch cầu hạt trung tính tự miễn trong viêm khớp dạng thấp gặp trong hội chứng Felty và bạch cầu cấp dòng lympho tế bào lớn (LGL). Giảm bạch cầu hạt trung tính thứ phát ở trẻ em là một bệnh hiếm và có thể liên quan tới hội chứng tăng sinh bạch huyết tự miễn (ALPS). Đây là một bệnh thứ phát xảy ra đối với hệ miễn dịch sau các bệnh như: nhiễm trùng, u máu tân tạo, bệnh hệ thần kinh, ghép tủy xương, ghép tế bào gốc, ghép thận hoặc sau khi dùng thuốc. Rối loạn này gây nên bởi đột biến dị hợp tử của gen fas với gan, lách, hạch to và tăng CD4, CD8, tế bào T.

– Bệnh huyết học (hematological disease)

+ Thiếu máu không tái tạo

+ Thiếu máu giảm gamaglobulin máu

+ Tăng tế bào T lớn (T cell large granular lymphocytosis)

+ Loạn sản tủy

– Chứng tăng năng lách (hypersplenism)

– Bệnh ác tính:

+ CLL

+ U lympho

+ U tuyến ức

+ Sự thâm nhiễm thứ phát sau các bệnh ác tính

– Bệnh dự trữ: Bệnh Gaucher, Niemann – Pick

– Rối loạn collagen mạch (Collagen vascular disorders)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0915589309